Sinh hoạt chuyên môn học thuật Bộ môn Giáo dục nhận thức – Dinh dưỡng & TC

07/04/2022

 Thực hiện kế hoạch năm học 2021 – 2022, Bộ môn giáo dục Nhận thức – Dinh dưỡng & Thể chất đã triển khai cho các giảng viên trong Bộ môn đăng ký các chuyên đề báo cáo Sinh hoạt chuyên môn học thuật năm học 2021 – 2022. Các chuyên đề tập trung vào giáo dục phát triển các lĩnh vực phát triển của trẻ như: Thể chất, nhận thức, tình cảm – thẩm mỹ - KNXH, giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật ở trường mầm non, sử dụng trò chơi trong thiết kế hoạt động học cho trẻ theo định hướng tích hợp chủ đề ở trường MN. Một số báo cáo tập trung vào các phương pháp dạy học ở hệ Đại học. Hai báo cáo chuyên đề đầu tiên được Thạc sỹ Nguyễn Thị Hằng và Tiến sĩ Hà Thị Hương trình bày. Chuyên đề 1 với tiêu đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả giờ hảo luận cho sinh viên khoa giáo dục mầm non”. Chuyên đề 2 với tiêu đề “Dạy học kết hợp (blended learning) - Xu hướng dạy học của tương lai”.

            Chuyên đề 1: Thạc sỹ Nguyễn Thị Hằng tiếp cận vấn đề dưới góc độ vai trò của giờ thảo luận nhóm đối với sinh viên chuyên ngành giáo dục mầm non. Tác giả cho rằng trong học chế tín chỉ, có rất nhiều hình thức tổ chức dạy học như học chung cả lớp và hình thức học theo nhóm nhỏ. Mỗi hình thức đều có những vai trò nhất định trong việc nâng cao hiệu quả của quá trình truyền đạt kiến thức tới người học. Tuy nhiên hình thức thảo luận nhóm là hình thức được quan tâm nhiều. Bởi lẽ thảo luận theo nhóm không chỉ đơn thuần là do yêu cầu của giáo viên đề ra cho sinh viên mà quan trọng hơn nó còn là cách học tập nghiên cứu của sinh viên. Học tập nhóm sẽ tập hợp được ý kiến sáng tạo của từng cá nhân, từ đó sản phẩm học tập sẽ giàu tính sáng tạo, những phương pháp tối ưu nhất sẽ được lựa chọn từ những kiến thức của các thành viên trong nhóm. Sản phẩm học tập lúc này cũng sẽ là kết quả của tất cả các thành viên. Tuy nhiên, không phải với bất kỳ sinh viên nào, hay nhóm sinh viên nào cũng khai thác hết được tính tích cực của phương pháp học tập này.

             Học tập theo nhóm còn giúp sinh viên rèn luyện khả năng thuyết trình trước đám đông, điều mà đa số sinh viên hiện nay còn yếu. Học tập theo nhóm sẽ thúc đẩy sự học tập tích cực của cá nhân, tạo ra sự cố gắng trong một cộng đồng, trong khi học nhóm những mâu thuẫn này sẽ nảy sinh khiến các sinh viên phải giải quyết mâu thuẫn, thuyết phục người khác trong những hoàn cảnh có thể bắt gặp trong cuộc sống sau này. Tinh thần học hỏi và khả năng lắng nghe người khác cũng là điều kiện để sinh viên được rèn luyện. Những kỹ năng này rất cần thiết khi sinh viên ra trường làm việc trong một môi trường tập thể.

Với ý nghĩa đó, tác giả đã đưa ra một số giải pháp nổi bật nhằm nâng cao hiệu quả giờ thảo luận nhóm như: Thứ nhất, Trước hết vấn đề thảo luận được đề cập trước, trình bày, biểu đạt các mục tiêu học tập là mục tiêu của cả nhóm, tập trung vào nhóm chứ không tập trung vào cá nhân; Thứ 2, Khuyến khích sinh viên phân công công việc đúng người, đúng việc để tạo ra ý thức trách nhiệm cá nhân, tinh thần và hành động tham gia, kỹ năng cộng tác của sinh viên; Thứ 3, Hỗ trợ sinh viên trong quá trình tìm kiếm các nguồn tư liệu liên quan đến nội dung thảo luận; Thứ 4, Giám sát nhóm, kiểm tra tiến độ của cá nhân trong nhóm; Thứ 5, Đánh giá cá nhân và nhóm, khen ngợi cá nhân và nhóm trong sự tiến bộ chung của nhóm

            Chuyên đề thứ 2 do TS Hà Thị Hương trình bày với tiêu đề “Dạy học kết hợp (Blended learning) – Xu hướng dạy học của tương lai”. Xuất phát từ thực tiễn các trường đại học tại Việt Nam đã và đang diễn ra sự chuyển biến toàn diện về cách vận hành chương trình đào tạo, mô hình quản lý đào tạo cũng như cơ sở vật chất phục vụ học tập nhằm thực hiện Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ trên phạm vi toàn quốc được ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/08/2007 của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Vì vậy, báo cáo tập trung vào mô hình dạy học kết hợp (Blended learning) để đưa ra một giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đào tạo các học phần thiên về thực hành. Theo TS Hà Thị HươngMô hình dạy học kết hợp là sự kết hợp giữa quá trình dạy học giáp mặt (face to face) và dạy học trực tuyến (e - learning), phản ánh các mối quan hệ có tính quy luật phổ biến giữa các yếu tố cấu trúc của quá trình dạy học. Cụ thể, có thể mô tả trong hình dưới đây.

Description: C:\Users\Mr.P\Desktop\22223333.jpg

Mô hình dạy học kết hợp

Tác giả đưa ra 6  mô hình DHKH trên đề cập kết hợp ở mức độ vi mô đều phản ánh mối quan hệ giữa hai hình thức dạy học (dạy học giáp mặt (face to face) với dạy học trực tuyến (e - learning)), nhưng mức độ và tỉ lệ giữa dạy học giáp mặt với dạy học trực tuyến khác nhau, tỉ lệ trực tuyến ngày càng tăng từ mô hình face - to - face driver đến mô hình online driver, ngoài ra không đề cập đến bản chất của quá trình dạy học kết hợp, kĩ thuật thiết kế các gói học liệu có tính tương tác cao trong chính nội dung học tập.

Thông qua báo cáo này tác giả khẳng định rằng mô hình dạy học này không chỉ phát huy được ưu điểm của hình thức tổ chức dạy học truyền thống và trực tuyến, mà là sự kết hợp hữu cơ đó còn làm xuất hiện thêm những ưu điểm nổi trội mà hai hình thức dạy học trên không có được. Đồng thời, có thể khẳng định qua mô hình này sẽ giúp nâng cao ý thức, thái độ và trách nhiệm học tập, tạo ra thói quen hợp tác ở người học. Qua bài viết, chúng tôi thiết nghĩ rằng có thể ứng dụng tốt mô hình dạy học này trong bối cảnh đại học ở Việt Nam khi điều kiện cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn.

Có thể nói 2 báo cáo này đều có ý nghĩa rất lớn đến quá trình tổ chức dạy học hiện nay, đặc biệt đối với sinh viên chuyên ngành Giáo dục mầm non. Các vấn đề do Thạc sỹ Nguyễn Thị Hằng và Tiến sĩ Hà Thị Hương trình bày được các thành viên trong bộ môn đánh giá cao, bởi lẽ nó giúp giảng viên một lần nữa cùng bàn luận về những phương pháp dạy học để tạo nên các hoạt động dạy học tích cực nhằm giúp sinh viên phát triển được kĩ năng tự học, thuyết trình trước đám đông, phát triển tư duy phản biện.

 

 

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN